Đổi bằng lái xe ô tô quá hạn là điều kiện bắt buộc để tham gia giao thông với những tài xế có bằng đã hết hạn sử dụng. Người lái xe nên đổi bằng càng sớm càng tốt để tránh những rắc rối không cần thiết.
1. Thời hạn của bằng lái xe ô tô
Tất cả các loại Giấy phép lái xe ô tô đều có khoảng thời gian sử dụng nhất định. Với mỗi hạng xe sẽ có những quy định thời hạn riêng.
Đối với giấy phép lái xe B1
Thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe B1:
+ Có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi (đối với nữ) và đủ 60 tuổi (đối với nam)
+ Lái xe trên 45 tuổi (đối với nữ) và trên 50 tuổi (đối với nam) thì GPLX có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp
Bao gồm các loại phương tiện sau:
- Hạng B1
+ Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn
- Hạng B1 (số tự động)
+ Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn
+ Ô tô dùng cho người khuyết tật
Đối với giấy phép lái xe B2
Thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe B2: 10 năm, tính từ ngày được cấp.
Cụ thể, gồm những phương tiện sau:
+ Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1
Đối với giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE
Thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe C, D, E, FB2, FC, FD, FE: 05 năm, kể từ ngày cấp.
Cụ thể, bao gồm những loại phương tiện sau:
- Hạng C
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn trở lên
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn trở lên
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2
- Hạng D
+ Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C
- Hạng E
+ Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D
- Hạng FB2
+ Các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2
- Hạng FC
+ Các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc
+ Ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2
- Hạng FD
+ Các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2
- Hạng FE
+ Các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc
+ Các loại xe: ô tô chở khách nối toa
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD
Tất cả các loại giấy phép lái xe trên, sau khi hết thời hạn, chủ sở hữu phải thực hiện đổi bằng lái mới.
2. Tại sao phải thực hiện đổi bằng khi quá hạn?
Khi quá hạn bằng lái xe ô tô, nó sẽ trở nên vô hiệu. Lúc này, chủ sở hữu sẽ không được phép điều khiển phương tiện.
Trường hợp bằng đã hết hạn nhưng vẫn sử dụng để điều khiển xe, tài xế sẽ bị phạt.
Cụ thể các mức phạt như:
+ Phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng nếu điều khiển xe ô tô với bằng lái xe hết hạn dưới 6 tháng.
+ Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 6 triệu đồng nếu điều khiển xe ô tô với bằng lái xe hết hạn từ 6 tháng trở lên.
Để có thể tiếp tục điều khiển phương tiện mà không bị phạt, tài xế phải nhanh chóng thực hiện việc đổi bằng lái mới. Việc đổi sớm sẽ giúp quá trình diễn ra nhanh chóng, ít tốn phí hơn.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải thì người có giấy phép lái xe đang còn hạn hoặc hết hạn không quá 3 tháng, sẽ được xét đổi giấy phép lái xe. Như vậy, nếu giấy phép lái xe bị hỏng, rách hay hết hạn không trên 3 tháng, bạn có thể làm thủ tục xin cấp lại bằng lái xe.
Đối với trường hợp bằng lái xe đã quá hạn trên 3 tháng sẽ phải tuân theo Khoản 1 điều 52 trong Nghị định được Bộ Giao thông Vận tải ban hành. Cụ thể như sau:
+ Nếu quá hạn bằng lái từ 3 tháng đến 12 tháng kể từ ngày hết hạn, phải thi sát hạch lại lý thuyết
+ Nếu quá hạn từ 12 tháng trở lên, phải thi sát hạch lại cả thực hành và lý thuyết
Ngoài ra, tài xế ngoài việc phải thi sát hạch lại, khi không kịp đổi bằng trước lúc hết hạn còn phải nộp tiền phạt. Khoản tiền này được quy định tại khoản 4, khoản 7 điều 21 Nghị định 171 năm 2013.
3. Thủ tục đổi bằng lái xe ô tô quá hạn
Bằng lái quá hạn dưới 3 tháng
Thủ tục đổi bằng lái xe ô tô quá hạn dưới 3 tháng bao gồm:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ có:
+ Đơn đề nghị cấp lại bằng lái xe
+ Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có). Hồ sơ gốc chính là biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe được giao cho người trúng tuyển kỳ sát hạch;
+ Giấy khám sức khỏe của người lái xe, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;
+ Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Tài xế sau khi chuẩn bị xong hồ sơ sẽ nộp tại Sở Giao thông Vận tải, nơi cấp bằng lái xe hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều được.
- Bước 3: Nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ
Thời hạn giải quyết: Chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch
Lưu ý: Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần
Bằng lái quá hạn từ 3 tháng trở lên
Theo quy định, người có bằng lái xe quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng – dưới 01 năm phải sát hạch lại lý thuyết, quá thời hạn sử dụng từ 01 năm trở lên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành sau đó sẽ được cấp bằng lái xe mới.
Cụ thể quy định đổi bằng lái xe ô tô quá hạn trên 3 tháng như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ sát hạch
Hồ sơ có:
+ Đơn đề nghị cấp lại bằng lái xe
+ Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài);
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;
+ Bản sao Giấy phép lái xe hết hạn (từ ngày 01/12/2019 không cần Bản sao Giấy phép lái xe hết hạn).
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
- Bước 3: Tham gia thi sát hạch
Thí sinh tham gia thi sát hạch sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
- Bước 4: Nhận kết quả
Thí sinh nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.
Thời hạn giải quyết: Chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
Lưu ý:
+ Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4): Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.
+ Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.
+ Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.
Ở trên là thông tin và hướng dẫn thủ tục đổi bằng lái xe ô tô quá hạn cho các tài xế. Lưu ý, bạn nên sắp xếp thời gian đổi bằng sớm trước 3 tháng để tránh việc phải thi lại mới được cấp bằng.