Lỗi không mang giấy tờ xe bị phạt bao nhiêu tiền năm 2022?

Lỗi không mang giấy tờ xe là một lỗi vi phạm phổ biến mà nhiều người mắc phải. Vậy khi bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” hỏi đến mà lỡ không mang thì bạn sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Cùng tìm hiểu vấn đề này ở bài viết sau nhé!

1. Người điều khiển phương tiện phải mang giấy tờ gì?

Theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người lái xe ô tô hay xe máy khi tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ theo quy định và có giấy phép lái xe. Giấy phép này phải phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

 Tai-sao-nguoi-dieu-khien-phuong-tien-phai-mang-giay-to-xe
Tại sao người điều khiển phương tiện phải mang giấy tờ xe

Khi điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau:

– Giấy đăng ký xe;

– Giấy phép lái xe ô tô, xe máy theo quy định;

– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường dành cho xe cơ giới (gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm định). Theo quy định thì đối với phương tiện bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểm định này;

– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô hoặc xe máy.

Khi điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo đăng ký xe, bằng lái xe,… để xuất trình khi người có trách nhiệm kiểm tra, nếu không có 1 trong số các giấy tờ bắt buộc thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Tham khảo hình thức phạt ở phần tiếp theo của bài viết.

2. Lỗi không mang giấy tờ xe bị phạt bao nhiêu tiền 2021?

Trường hợp không có hoặc không mang theo, người lái xe sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

 Loi-khong-mang-giay-to-xe-bi-phat-bao-nhieu-tien-2021
Lỗi không mang giấy tờ xe bị phạt bao nhiêu tiền 2021

2.1 Mức phạt lỗi không có hoặc không mang đăng ký xe

– Đối với ô tô:

+ Trường hợp không có Giấy đăng ký xe: theo điểm a Khoản 4 và Điểm a Khoản 6 Điều 16 thì sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đồng thời, theo quy định tại Điểm đ Khoản 6 Điều 16: nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện sẽ bị tịch thu phương tiện sung vào ngân sách nhà nước.

+ Trường hợp không mang theo Giấy đăng ký xe: Theo điểm b Khoản 3 Điều 21: bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng.

– Đối với xe máy:

+ Trường hợp không có Giấy đăng ký xe: Theo điểm a Khoản 2 Điều 17: bị phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng.

Đồng thời, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện thì thực hiện theo điểm đ Khoản 4 Điều 17: bị tịch thu phương tiện sung vào ngân sách nhà nước theo quy định.

+ Trường hợp không mang theo Giấy đăng ký xe: Theo điểm b Khoản 2 Điều 21 thì bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.

Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy chứng nhận kiểm định (áp dụng đối với xe ô tô)

+ Trường hợp không có Giấy chứng nhận kiểm định: Theo điểm e Khoản 5 và Điểm a Khoản 6 Điều 16 thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng .

+ Trường hợp không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định: theo điểm c Khoản 3 Điều 21 thì bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng.

2.2 Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy phép lái xe

– Đối với xe mô tô

+ Trường hợp quên không mang Giấy phép lái xe: theo điểm c Khoản 2 Điều 21 thì bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng (Trừ trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia).

+ Trường hợp không có Giấy phép lái xe:

++ Theo điểm a Khoản 5 Điều 21: Bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi dưới 175 cm3.

++ Điểm b Khoản 7 Điều 21: Bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

– Đối với xe ô tô

+ Theo điểm a Khoản 3 Điều 21: Trường hợp quên không mang Giấy phép lái xe: Bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng (Trừ trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia).

+ Theo điểm b Khoản 8 Điều 21: Trường hợp không có Giấy phép lái xe: Bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Mức phạt lỗi không có hoặc không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

– Đối với ô tô: Điểm b Khoản 4 Điều 21: Bị phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng.

– Đối với xe máy: Điểm a Khoản 2 Điều 21: Bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.

Các mức phạt trên được áp dụng rộng rãi và dành cho tất cả những người tham gia giao thông đường bộ. Dù số tiền không quá lớn nhưng cũng không phải nhỏ đối với nhiều người. Do vậy, chúng ta cần chủ động tránh những lỗi này. Tham khảo một số bí quyết ở phần cuối của bài viết.

3. Làm sao để không bị phạt khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông?

Để không bị phạt với những lỗi về giấy tờ thì khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần chuẩn bị cho mình những yếu tố sau.

Can-chuan-bi-day-du-giay-to-khi-dieu-khien-phuong-tien-tham-gia-giao-thong
Cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Đối với phương tiện cá nhân 

Trước khi mua bất kỳ một phương tiện nào để sử dụng, bạn nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ của xe. Mỗi một chiếc xe mua về đều phải có đầy đủ các loại giấy tờ, bao gồm:

  • Giấy đăng ký xe:  Đây là loại giấy tờ quan trọng giúp chứng minh rằng xe bạn đang sử dụng không phải là xe gian, tức là các loại xe trộm cắp và đang sử dụng xe của mình;
  • Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân: Để xác thực bản thân với phương tiện đang sử dụng;
  • Bảo hiểm cho phương tiện;
  • Với xe mua lại cần có hợp đồng mua bán rõ ràng.

Đối với bằng lái xe 

Với các loại giấy tờ trên thì bạn hoàn toàn có thể hoàn thiện ngay từ khi mua xe. Tuy nhiên, với các loại bằng lái xe thì cần phải trải qua một quá tình chuẩn bị dài hơn.

Nếu là bằng lái xe máy thì thời gian thi tương đối nhanh, kể cả bằng lái xe A1 hay A2. Tuy nhiên, với bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 hay C thì thời gian từ khi đăng ký hồ sơ tới lúc thi và nhận bằng sẽ kéo dài ít nhất 3 tháng. Ngoài ra, chi phí thi bằng ô tô các hạng cũng cao hơn so với xe máy. Do đó, nếu có ý định mua xe ô tô thì bạn nên đăng ký học và thi để có bằng trong thời gian sớm nhất.

Tóm lại, lỗi không mang giấy tờ xe sẽ bị phạt tiền với các mức tương ứng với lỗi vi phạm. Để tránh các lỗi này, bạn nên tìm trung tâm uy tín để thi bằng và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khi điều khiển xe ra khỏi nhà. Mong rằng bài viết đã mang lại những nội dung hữu ích cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0985 543 079
Liên hệ Fanpage Thái Việt Liên hệ hỗ trợ qua Zalo Thi Lý Thuyết Online
thi thử